Chẳng nghi ngờ gì nữa, HY SINH là phẩm chất tuyệt vời nhất của người phụ nữ Việt Nam. Với họ, HY SINH là lẽ đương nhiên, cũng như hơi thở của cuộc sống, lấy hạnh phúc của người thân làm niềm vui của mình. Phẩm chất ấy có mặt thường ngày trong mỗi gia đình, mỗi tập thể; từ việc nhỏ đến chuyện lớn.

THÁNG 3 TẢN MẠNG VỀ PHỤ NỮ

“Cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ HY SINH có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”

>> Trích nguồn: Ngày quốc tế phụ nữ 8-3

Phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa

Trong lịch sử nhân loại, khó có dân tộc nào mà phụ nữ lại có vai trò quan trọng như ở Việt Nam. Từ truyền thuyết Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở trăm con và 50 theo mẹ lên núi. Từ buổi sơ khai, mấy ngàn năm trước, công chúa Tiên Dung đã làm “cuộc Cánh mạng” trong tình yêu để đến với chữ Đồng Tử. Rồi tấm lòng thủy chung son sắt của công chúa Trinh Nương là động lực để An Tiêm vượt khó với sự tích quả dưa hấu đặct hù. Hay hình ảnh người Mẹ của Phù Đổng, sẵn sàng dâng hiến đứa con thân yêu của mình cho Tổ Quốc, dẫu con hiển vinh, mẹ vẫn là mẹ, không đòi hỏi so đo.

Những năm đầu công nguyên, cả dân tộc đắm chìm trong đêm dài nô lệ của giặc Phương Bắc thì vào năm 40, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã dựng cơ khởi nghĩa để “rửa sạch thù nhà và nối nghiệp vua Hùng” .

Trưng Trắc xưng vương, cai quản cả vùng, trở thành một trong những Nữ Vương đầu tiên của thế giới. Dưới trướng của 2 Bà, quân tướng đều là phụ nữ. Gần 200 năm sau, Triệu Thị Trinh lại cưỡi voi xung trận với hào khí “cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách đô hộ chứ không chịu cam tâm làm tì thiếp cho người…” khi chưa tròn đôi mươi.

Năm 938 trong sự nghiệp của Ngô Quyền – người mở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ của Đại Việt, lịch sử lại ghi danh nữ tướng Dương Thị Minh Ngọc, con gái Dương Đình Nghệ, phu nhân của Ngô Quyền với đội nữ quân luôn sát cánh với chồng chinh chiến. Tên tuổi của những Thái Hậu Dương Vân Nga, Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Nhiếp Chisng Ỷ Lan, Huyền Trân Công Chúa, Lễ Nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Đô Đốc Bùi Thị Xuân…mãi mãi là những tấm gương trung liệt và tài đức vẹn toàn.

Ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu, tới đầu thế kỷ thứ 20 phụ nữ mới được đi bầu cử; mấy chục năm sau phụ nữ mới được quyền ứng cử. Mới hay phụ nữ Việt Nam giỏi thiệt!

Việt Nam – Mọi đồ vật đều bắt đầu bằng chữ Cái

Hình như ở Châu Á, chỉ có tiếng Việt là viết theo kiểu chữ La Tinh và là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới chỉ toàn giống cái, không có giống đực? Mọi đồ vật đều bắt đầu bằng chữ Cái…Lạ nữa, cái gì to lớn, quan trọng đều được mang danh Cái. Từ ngón Cái, đũa Cái, cửa Cái, cột Cái, trống Cái,…đến đường Cái, sông Cái, nhà Cái…!

Thậm chí trẻ con được hình thành bởi cả cha lẫn mẹ mà bao đời nay chỉ được gọi là “con Cái chúng ta”, hoặc “con Cái nhà ai”. Có người đã ví von “Vợ là cửa cái, bạn gái là cửa sổ. Nhà càng nhiều của sổ (giống biệt thự ?) càng sang. Cửa cái ta vẫn đàng hoàng vào ra. Nhưng mà cửa cái nhà ta. Có khi lại là cửa sổ thằng cha láng giềng!”.

Có người đề nghị để chống tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng chỉ cần ràng buộc “Phải ra đi trong giờ hành chánh và bỏ lại đồ vật giống cái”. Bỏ cái nhà, cái xe, cái tủ, cái bàn…cũng được chứ đến cái quần cái áo thì đành chịu. Chả lẽ chạy tồng ngồng ra khỏi nhà?

ở Việt Nam, chùa Bà luôn luôn thiêng hơn chùa Ông. Vào chùa hay nhà thờ, các tín đồ đều cầu Phật Bà và Đức Mẹ hơn là Phật Thích Ca và chúa Jesus. Một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ví đàn ông như Sấm, còn phụ nữ là Sét!.

Sự hy sinh thầm lặng

Thực tế đáng buồn là phụ nữ luôn chịu áp lực hơn đàn ông. Nếu là người lãnh đạo, họ phải nổ lực gấp đôi. Gặp chuyện buồn phiền cũng khổ hơn vì chẳng có nhiều chỗ như đàn ông để giải tỏa. Có chồng ăn mặc luộm thuộm, tội – không giữ thể diện cho chồng. Chồng nhếch nhác, tội – không biết lo cho chồng. Con hư, tội – tại mẹ! Dân gian công bằng hơn thì khẳng định “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm” hay “thuận vợ, thuận chồng…”

Dẫu chiến tranh hay hòa bình thì phụ nữ cũng hy sinh nhiều hơn. Vợ chờ chồng, mẹ đợi con, chị ở vậy nuôi con hay phụng dưỡng cha mẹ. Nhà có em gái hay chị gái đều được nhờ cậy hơn. Không rõ các nước khác thế nào chứ hầu hết công trạng của doanh nhân Việt Nam có thể nói gần nửa sự nghiệp là của họ là sự góp sức và chia sẻ bền bỉ của những người phụ nữ thân thiết.

Nhân tháng 3 tôi mong muốn Hội Liên Hiệp Phụ Nữ các ấp xem lại phong trào hai giỏi “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một thời từng là nét son của phụ nữ Việt Nam. Trong chiến tranh đàn ông phải ra trận, phụ nữ ở nhà gánh cả hai vai thì thật đáng quý. Còn thời bình, đàn ông cũng cùng chung vai với phụ nữ.

Nếu phụ nữ muốn độc quyền hai giỏi thì cánh đàn ông đành chịu. Đi làm về cứ vô tư đọc báo, xem truyền hình hoặc đi nhậu bởi đã có phụ nữ hai giỏi cùng lúc cả đời. Họ sẽ mau già, đổ bệnh và chóng chết. Hãy để chồng con được chia sẻ. Phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” sẽ thay bằng “cả nhà cùng giỏi” . Hơn ai hết, chính phụ nữ phải biết cảm thông với nhau trước, bởi nhiều lúc vô tình họ cứ làm khổ giới mình.

Macxim Gorki từng nói “Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có mẹ thì không có anh hùng cũng chảng có thi nhân”. Trịnh Công Sơn thì khẳng địnhPhụ nữ là người sinh ra nhân loại và tình yêu”. Cuộc đời này, nếu không có phụ nữ thì chẳng có đàn ông, và nếu lỡ có đàn ông thì họ cũng chẳng thiết sống làm gì giữa một xã hội chỉ toàn giống đực? Trân trọng và chăm sóc phụ nữ một chút càng chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của cánh đàn ông. Hơn nữa đời người tôi mới nghiệm ra chân lý giản đơn Tử tế với phụ nữ, không bao giờ thiệt thòi…”

Chuyên mục: Blog làm đẹp